4 cách “phù phép” hồ sơ ứng tuyển cá nhân cho người làm Marketing
CV là bảng tóm tắt thông tin cá nhân, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc của một ứng viên. Được xem là phương tiện để các doanh nghiệp đánh giá sơ bộ về ứng viên, một bản CV lệch chuẩn, thiếu thông tin hoặc không đẹp mắt sẽ rất dễ dàng bị đánh rớt ngay từ vòng đầu tiên.
Khi ứng tuyển công việc liên quan đến Marketing, một bản CV hoàn hảo không chỉ bao gồm những thông tin cơ bản, những vai trò đã trải qua trong quá khứ mà còn là cơ hội để thể hiện khả năng và tiềm năng của ứng viên đối với nhà tuyển dụng. Bởi tính chất sôi động và thay đổi liên tục của ngành nghề, một bản lý lịch thể hiện được khả năng thích ứng những điều đó chắc chắn sẽ thu hút được ánh nhìn của nhà tuyển dụng trong vô số hồ sơ nộp về. Vậy để ứng tuyển vào công việc Marketing, một CV chuyên nghiệp và nổi bật sẽ cần những yếu tố gì?
Cùng tìm hiểu 4 cách tạo ra một CV chỉn chu nhưng không nhàm chán qua bài viết dưới đây.
1. Hãy xem CV như cơ hội quảng cáo bản thân
“Your résumé is your ad” (Bản resume chính là cơ hội quảng cáo về bản thân của ứng viên”) – đó là những gì Stacey Gordon đã nói trong khoá học dạy viết resume/CV của mình. Stacey Gordon hiện là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty Rework Work chuyên tư vấn tuyển dụng và cung cấp các khóa học, cơ hội phát triển khả năng lãnh đạo cho ứng viên.
Trong CV, tính cụ thể và tính tương thích với công việc là quan trọng nhất. Các ứng viên không nên liệt kê công việc một cách cứng nhắc, mà thay vào đó hãy miêu tả thật chi tiết về những gì mình đã làm cùng kết quả ra sao để mang lại cho người đọc một chân dung sơ bộ về mình. Ở mỗi đầu mục công việc, kỹ năng và bằng cấp, hãy nói thêm về những kinh nghiệm này sẽ hỗ trợ ứng viên như thế nào trong việc thích nghi với công việc mới.
Có thể nói nếu nội dung cover letter (thư ứng tuyển) khẳng định bản thân ứng viên hợp với vị trí này thì CV chính là minh chứng cho việc giải thích tại sao ứng viên phù hợp thông qua những dẫn chứng, số liệu rõ ràng, đáng tin cậy.
CV là cơ hội để ứng viên quảng cáo bản thân với nhà tuyển dụng.
2. Tùy chỉnh website dựa theo công việc ứng tuyển
Đối với ngành Marketing lẫn các ngành sáng tạo, website cá nhân và portfolio online đã trở thành một phần của CV. Chúng là tổng hợp toàn bộ những dự án ứng viên đã làm. Theo Gordon, các ứng viên nên đính kèm đường link website vào trong CV để hợp nhất nó lại làm một, tránh việc nhà tuyển dụng bỏ sót thông tin.
Ngoài ra, việc thiết kế website cũng cần sự tương thích với công việc đang ứng tuyển. Vì vậy, người ứng tuyển có thể tạo ra những trang phụ khác nhau phù hợp với từng kiểu công việc khác nhau trên website. Ứng viên cần cân nhắc kỹ lưỡng nội dung đăng tải và đảm bảo rằng đó chính là những thông tin thiết thực có thể hỗ trợ bạn trong quá trình ứng tuyển.
Online portfolio phải rõ ràng và tương thích với công việc đang ứng tuyển.
Khi CV và website đã đầy đủ thông tin, ứng viên cũng nên chuẩn bị tinh thần để trình bày mọi thứ trơn tru và rõ ràng nhất. Trong quá trình phỏng vấn, hãy thể hiện tất cả những khả năng liên quan đến công việc mà ứng viên có và giải thích vì sao nó lại phù hợp cho vị trí này. Càng chuẩn bị kỹ càng, cơ hội gây chú ý nhà tuyển dụng càng cao.
3. Nhấn mạnh vào các kỹ năng nhiều hơn là liệt kê vị trí từng làm
Tuyển dụng dựa trên kỹ năng chính là xu hướng của hiện tại và cả tương lai. Các nhà tuyển dụng và quản lý đều học được cách đánh giá một ứng viên dựa vào những yêu cầu cần thiết về kỹ năng của một công việc bên cạnh trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc trong quá khứ. Nếu một ứng viên đáp ứng được các kỹ năng ấy, cơ hội được tuyển dụng sẽ cao hơn kể cả khi chưa có kinh nghiệm làm việc.
Trước khi hoàn thành CV, ứng viên nên kiểm tra xem công việc đang ứng tuyển cần những kỹ năng gì và bổ sung chúng vào bộ hồ sơ. Tuy nhiên, người ứng tuyển cũng cần phải miêu tả chi tiết về việc họ đã ứng dụng kiến thức đó như thế nào thay vì chỉ liệt kê chúng. Ngoài ra, các kỹ năng cũng có thể được liệt kê song song với các công việc đã từng làm cũng như giải thích tác động của chúng đã tạo ra thành quả gì cho các dự án đó.
Tuy nhiên, nếu ứng viên cảm thấy gặp vấn đề trong việc thêm các kỹ năng vào bộ hồ sơ, hãy tìm kiếm các khóa học nâng cao kỹ năng trên LinkedIn hoặc bất kỳ nền tảng nào đáng tin cậy. Tham chiếu mọi thứ trong CV về những kỹ năng cụ thể sẽ giúp ứng viên phù hợp với các tiêu chí tuyển dụng của công ty và nhà tuyển dụng hơn.
Bên cạnh trình độ học vấn, nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến kỹ năng.
4. Tập trung vào thành quả hơn là tính chất công việc
“Marketing không chỉ là quá trình sáng tạo mà nó còn quan tâm đến thành quả công việc. Hãy tưởng tượng bạn có thể làm ra một TVC quảng cáo hoành tráng nhưng nếu không ai xem thì đó được xem như thất bại“, Gordon chia sẻ.
Tương tự như vậy, một CV tốt hay một buổi phỏng vấn tốt là khi ứng viên có thể kể ra được những thành quả và tác động tích cực mà họ mang lại cho công việc. Thay vì tập trung miêu tả dự án, ứng viên sẽ gây được ấn tượng với người tuyển dụng nếu làm nổi bật lên những kỹ năng và tư duy đã áp dụng để tạo ra thành công cho dự án đó.
Hãy tạo sự khác biệt trên CV như cách Bill Gates đã làm.
Các ứng viên nên bổ sung thêm thêm kết quả bản thân đã đạt được tại các hạng mục trong CV như kinh nghiệm làm việc, thành tích và kỹ năng. Hãy nhấn mạnh sự khác biệt và tác động ứng viên đã đem lại trong sự nghiệp bởi sự khác biệt ấy chính là điều những nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Hãy cho họ xem toàn bộ những gì ứng viên làm được như thể đang trình bày một case study thành công mà bản thân chính là một marketer trong dự án đó.
Theo LinkedIn
Thanh Thảo