Học cách thương hiệu cường điệu hóa đến phi thực tế tính năng sản phẩm nhưng vẫn gây ấn tượng hiệu quả với người tiêu dùng
Người tiêu dùng thường định kiến quảng cáo là thiếu trung thực. Vậy sẽ thế nào nếu thương hiệu tận dụng thực tế này để thực hiện những quảng cáo vượt ngoài mọi sự hình dung của người tiêu dùng? Cường điệu hoá tính ứng dụng của sản phẩm, nói quá về chất lượng một cách… lố bịch hay thậm chí là khiến sản phẩm trở nên thiếu thực tế nhằm gây ấn tượng tốt hơn với người tiêu dùng là một số cách thức đáng cân nhắc dành cho thương hiệu.
Cùng điểm qua 4 TVC nổi bật dưới đây.
Oreo – Global Vault
Năm 2020, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA đã ra thông báo về việc tiểu hành tinh 2018VP1 đang bay hướng về Trái Đất, dự kiến rơi xuống hành tinh vào ngày 2/11/2020. Mặc cho sự thật rằng tác động của tiểu hành tinh lên Trái Đất là không đáng kể, người dùng mạng xã hội Twitter vẫn quyết định đùa vui với tin tức này như một lời thông báo về ngày tận thế. Và thương hiệu Oreo cũng đã không đứng ngoài cuộc chơi.
Mọi chuyện khởi nguồn từ dòng retweet của một người dùng tên Olivia Gordon vào ngày 3/10/2020. Cô viết: “Có vẻ một tiểu hành tinh sắp va vào Trái Đất. Tôi thắc mắc rằng ai sẽ cứu những chiếc bánh Oreo?” Thật bất ngờ, Olivia Gordon đã nhận được phản hồi của Oreo trên Instagram vào ngày 21/10 với lời an ủi: “Chúng tôi sẽ cứu những chiếc bánh quy Oreo, Olivia ơi. Thông báo chính thức sẽ được công bố sớm thôi!” Trong 5 ngày liên tiếp sau đó, thương hiệu đã không ngừng “úp mở” về chiến dịch “giải cứu” bánh quy khỏi tận thế trên nền tảng Facebook và Instagram nhằm kích thích trí tò mò của người dùng.
Bài đăng “úp mở” về chiến dịch “giải cứu” bánh quy của Oreo trên Instagram
Đầu tháng 11/2020, Oreo chính thức thông báo hoàn thiện công trình căn hầm chống tận thế ở quần đảo Svalbard (Na Uy), cách không xa hầm chứa hạt giống toàn cầu đặt tại quốc gia này. Kiến trúc căn hầm của Oreo cũng mô phỏng hoàn hảo theo hình dáng nổi tiếng của hầm chứa hạt giống. Oreo nói rằng căn hầm sẽ được dùng để bảo quản các loại bánh quy cũng như công thức sản xuất độc quyền của thương hiệu, đề phòng ngày tận thế thực sự diễn ra. Do đó, những gói bánh Oreo đã được bọc kính bằng sợi mylar, có thể chịu nhiệt độ từ -80 đến 300 độ C. Vật liệu này cũng ngăn phản ứng khóa học, chống hơi ẩm và không khí, giữ cho bánh quy luôn tươi ngon và có thể tồn tại nhiều năm. Những gói bánh đặc biệt đã khiến người tiêu dùng dường như “phát cuồng” và mong muốn thương hiệu mở bán nó thay vì chỉ lưu trữ trong căn hầm chống tận thế.
Vỏ bánh quy Oreo và lớp kem đặc trưng được bảo quản nghiêm ngặt trong bao bì chống nhiệt và phản ứng hoá học
Trong TVC giới thiệu căn hầm đặc biệt, Oreo đã dựng lên một cốt truyện hài hước: diễn viên đóng vai là ban Giám đốc thương hiệu nghiêm túc suy nghĩ về kế hoạch bảo vệ những chiếc bánh quy Oreo quý giá. Vượt qua mọi khó khăn và tiêu tốn bao nỗ lực, cuối cùng họ cũng tìm được một địa chỉ lý tưởng để xây căn hầm “trú ẩn” dành cho chiếc bánh quy. Để rồi cuối TVC, họ vỡ oà trong hạnh phúc khi đứng trước công trình hoàn thiện, cùng nhau ăn mừng với bánh quy Oreo.
TVC công bố quá trình xây hầm chống tận thế của “ban Giám đốc” Oreo
Đại diện thương hiệu tiết lộ rằng quá trình từ lúc có ý tưởng đến kế hoạch thực thi chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 35 ngày.
McDonald’s – American Summer
“American Summer” là TVC dài hai phút của thương hiệu McDonald’s, ra mắt vào tháng 8/2016. Ý tưởng của TVC Xuất phát từ niềm tự hào về sự phổ biến của những món ăn biểu tượng của McDonald’s. Theo đó, thương hiệu đã cường điệu hoá hương vị những món ăn ngon đến nỗi không thể cưỡng lại.
TVC “American Summer”
Bối cảnh của TVC là hậu trường quay phim điện ảnh với dàn máy móc, thiết bị, ekip hậu kỳ vô cùng đầu tư. Diễn lại dựa trên cốt truyện của ba tựa phim kinh điển, nhân vật nam chính trong TVC đã tái hiện những phân cảnh nổi tiếng nhất trong ba bộ phim. Điển hình như với “Titanic”, cảnh tượng Jack yếu ớt bám vào một tấm gỗ nổi lênh đênh trên mặt biển đã được lựa chọn. Chàng nam chính trong TVC đã diễn tả chân thực cảm xúc đau khổ và tuyệt vọng của nhân vật Jack trong “Titanic”. Thế nhưng, khi TVC chuyển cảnh qua phần hậu trường, người xem mới “ngã ngửa” hoá ra ekip phim đã phải vờ sẽ ăn hết một chiếc bánh hamburger trước mặt nam chính, anh mới có thể “đau lòng” đến nỗi có thể diễn đầy cảm động như vậy.
Ba phân cảnh chính trong TVC của McDonald’s được lấy cảm hứng từ những tựa phim kinh điển
Sự cường điệu hoá của McDonald’s chưa dừng lại ở đó. Khi nghỉ ngơi chờ diễn những phân cảnh tiếp theo, nam chính TVC đã ngồi ôm tấm ảnh in chiếc bánh hamburger McDonald’s. Chàng trai si mê chúng, không ngừng xuýt xoa về “nàng thơ” của mình và đặt lên đó những nụ hồn nồng ấm.
TVC được thực hiện bởi agency TBWA và quảng bá tại thị trường Pháp.
Netflix – Airport
Ra mắt vào năm 2014, “Airport” là câu chuyện về cuộc chia tay hài hước giữa một cặp tình nhân. Cô gái trong cuộc tình là người đi xa và rời bỏ chàng trai mình yêu thương đến một đất nước khác.
Mở đầu với một phân cảnh mùi mẫn khi chàng trai hớt hải chạy đến sân bay ra sức tìm kiếm cô gái, TVC khiến người xem ngỡ tưởng rằng sắp có một cuộc chia ly cảm động diễn ra. Chàng trai mải miết đuổi theo cô gái, mặc cho dòng người qua lại tấp nập. Cuối cùng, anh cũng có thể bắt kịp cô gái của đời mình. Nhìn thấy anh trước mặt, cô gái không giấu nổi niềm xúc động, gặng hỏi: “Cuối cùng anh cũng chịu đến rồi sao?”
Cuộc chia ly ngỡ tưởng mùi mẫn của cặp tình nhân trẻ
Đáp lại, chàng trai vẫn giữ một bộ mặt hồn nhiên và đầy vô tư. Cú twist hài hước của TVC nằm ở câu trả lời từ chàng trai: “Đúng vậy. Anh chỉ muốn hỏi là: mật khẩu Netflix ở nhà là gì vậy?” Cuối TVC, Netflix xuất hiện và giới thiệu nền tảng xem phim của mình. Giọng lồng tiếng gấp gáp và có phần vô cảm như càng gia tăng cảm hứng hài hước cho TVC.
Stella Artois – Ice-skating priests
Quảng cáo “Ice-skating priests” của Stella Artois (dòng bia cổ điển đến từ Bỉ) được phát hành vào tháng 10/2012. TVC mô tả cuộc vui chơi giữa những linh mục trên mặt băng tuyết. Một chàng linh mục trẻ đã được cử đi để lấy một thùng bia Stella Artois. Mọi chuyện chính thức bắt đầu từ đây.
Dòng bia cao cấp Stella Artois của quốc gia Bỉ
Cầm trên tay két bia Stella Artois nặng trịch, chàng trai bị trượt ngã trên băng và đánh rơi két bia. Tất cả linh mục đã chạy dồn ra phía anh. Nhưng thay vì muốn cứu anh, họ chỉ muốn lấy két bia đang có nguy cơ bị chìm nghỉm dưới mặt băng lạnh giá. Họ đuổi theo két bia trôi lềnh bềnh dưới mặt nước, mặc cho chàng trai trẻ đối mặt với nguy cơ bị chết đuối. Cuối cùng, khi anh tự mình quay trở lên khỏi mặt băng, các vị linh mục lại hỏi anh lặn xuống dòng nước một lần nữa để tìm những chai bia.
TVC “Ice-skating priests”
Nhằm làm nổi bật cảm hứng cổ điển của bia Stella Artois, quảng cáo đã sử dụng nước phim đen trắng hoàn toàn. TVC của thương hiệu cũng đã nhận về nhiều giải thưởng vào năm phát hành, điển hình như Graphite Pencil với hạng mục “TV & Cinema Crafts“ và “Editing“ tại D&AD Awards 2006.
Theo Deck of Brilliance
Trang Ngọc