Brand MarketingCase StudySocial Advertising

Qua rồi thời Intern chỉ có việc “bưng trà, rót nước”

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên đã mong muốn được thực tập tại các doanh nghiệp để có cơ hội quan sát, va chạm và tìm hiểu những công việc mà một nhân viên cần thực hiện.

Nhiều Intern sẽ chú trọng kinh nghiệm, không quan tâm đến số tiền nhận được. Trong khi đó, một số bạn lại nghĩ rằng đã bỏ công sức và thời gian ra thì phải nhận được mức trợ cấp xứng đáng. Vậy thì khi thực tập tại môi trường agency, các bạn Intern sẽ nhận được những gì?

Hãy cùng các nhân sự tại agency Pencil Group, Dentsu Redder, Hakuhodo Dentsu McGarryBowen phân tích về chủ đề này!

Intern là “tấm chiếu chưa trải”

Theo chia sẻ từ các nhân sự, có ba kiểu Intern thường thấy tại môi trường agency:

• Một là những bạn đang tìm kiếm cơ hội cọ xát: Đây thường là những sinh viên mới ra trường, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp. Do đó, các bạn mong muốn được làm việc ở vị trí Intern để học hỏi và trau dồi kiến thức

• Hai là những nhân sự đã có kinh nghiệm: Những bạn này thường sẽ mong muốn tìm vị trí chính thức để làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp

• Ba là những bạn muốn chuyển ngành, chuyển vị trí: Các bạn đang tìm kiếm một xuất phát điểm mới, bắt đầu lại mọi thứ từ con số 0.

Tuy nhiên, dù thuộc nhóm nào thì nhân sự đều cần phải đáp ứng một số tiêu chí của nhà tuyển dụng. Anh Vũ Anh Quân – Senior Social Content tại Dentsu Redder chia sẻ: “Những kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng văn phòng, quản lý thời gian, khả năng tìm hiểu về vị trí ứng tuyển,… sẽ là những yêu cầu cơ bản nhất. Bên cạnh đó, thái độ cầu thị trong công việc lẫn một chút năng khiếu là điều agency nào cũng mong muốn tìm thấy ở một Intern tiềm năng.

Chị Quỳnh Anh – Senior Account Executive tại Pencil Group cũng đồng ý: “Thật ra, gần đây tiêu chí xét tuyển cho vị trí Intern ở nhiều nơi đã được nâng lên khá cao, tuy nhiên ở agency mình thì thái độ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đã là Intern thì các bạn làm gì có kinh nghiệm mà yêu cầu chuyên môn thế này, chuyên môn thế kia.”

Từ vị trí của một Intern, bạn Ngô Minh – Strategic Planning Intern tại Dentsu McGarryBowen cũng chia sẻ: “Theo mình, điều quan trọng là các bạn thể hiện được sự năng nổ, chủ động, sẵn sàng học và làm. Tùy vào vị trí công việc mà agency sẽ có thêm những tiêu chí khác nhau, ví dụ như đối với vị trí Strategic Planning, một trong những điểm chung mình thường thấy ở các bạn Intern là có analytical (phân tích) và logical thinking (suy nghĩ thấu đáo, logic).”

Và với những tiêu chí kể trên, Intern sau khi được nhận vào làm sẽ được đảm nhận những đầu việc như thế nào?

Không đơn thuần chỉ là “bưng trà, rót nước”, Intern ngày nay được trải nghiệm nhiều công việc thú vị hơn

Nếu như trước đây Intern ít được trao quyền và chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm trong công việc thì tại môi trường agency ngày nay, Intern sẽ có cơ hội va chạm thực tế và học hỏi thêm nhiều kiến thức hữu ích. Anh Vũ Anh Quân bày tỏ: “Công việc của một Intern thì không quá nhiều khiến các bạn hoảng loạn nhưng cũng không quá ít để nhởn nhơ. Qua đó, các bạn Intern sẽ có thời gian để ‘thẩm thấu’ những gì được học và dần cảm nhận được sự khắc nghiệt của môi trường agency. Trong nội bộ team mình, Intern sẽ được sắp xếp trải nghiệm mọi thứ từ planning (lên kế hoạch) đến execution (thực thi). Từ đấy, các bạn sẽ có cái nhìn kỹ càng và tổng qua hơn trước khi đưa ra quyết định có nên gắn bó với ngành hay không.”

Đi lên từ vị trí Intern, chị Tiên Nguyễn – Account Executive tại Hakuhodo cho biết: “Trên thực tế, vị trí Account Intern ở agency hiện nay sẽ được thử rất nhiều task (đầu việc) thú vị với cả Internal và External. Về phía Internal, các bạn sẽ được ‘va chạm’ một số đầu việc như:

– Làm việc nhóm (teamwork) để hoàn thành công việc

– Quản lý thời gian để hoàn thành dự án đúng deadline 

– Được các anh chị leader chỉ dẫn thực hiện những project nhỏ

– Làm report hàng tuần, hàng tháng

– Hỗ trợ các anh chị đồng nghiệp một số việc khác 

Đối với External thì Intern còn được làm việc, trao đổi với các supplier về các hạng mục công việc trong dự án.”

Ngoài ra, bạn Ngô Minh cũng chia sẻ công việc của một Intern như sau: “Theo mình thì ở hầu hết các agency hiện nay, Intern sẽ được đảm nhiệm một phần hoặc trực tiếp hỗ trợ các dự án đang chạy của công ty. Do đó, các bạn Intern sẽ có khá nhiều cơ hội để phát triển và va chạm kiến thức thực tế. Về khối lượng công việc thì sẽ tùy vào thời điểm trong năm. Đơn cử như ba tháng cuối năm được xem là thời gian cao điểm đối với agency. Công ty sẽ bắt đầu có nhiều dự án Tết nên các bạn Intern sẽ có khối lượng công việc nhỉnh hơn một chút so với những khoảng thời gian khác.” Và với mức độ làm việc như thế, bạn Ngô Minh cho biết mức lương trung bình của một Intern tại agency dao động từ 1 đến 3 triệu đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, chị Tiên Nguyễn lại có ý kiến khác: “Theo mình biết, mức trợ cấp trung bình cho vị trí Intern hiện nay trên thị trường dao động từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng, ngoài ra còn được hưởng thêm các phụ cấp khác như tiền gửi xe, tiền ăn,… Mình nghĩ mức trợ cấp như thế cùng với khối lượng kiến thức khổng lồ mà bạn được học thì tất cả sẽ xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.”

Từ góc nhìn của bản thân, chị Quỳnh Anh cho biết: “Mức lương trung bình của một Intern chắc hẳn đâu đó ở mức 2 đến 3 triệu đồng một tháng. Theo mình nhận định thì con số này khá ít, không đủ cho các bạn sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từng làm Intern cho cả global agency và local agency thì mình nghĩ khối lượng kiến thức và trải nghiệm mà agency mang lại cho bạn sẽ đáng giá hơn mức tiền trên.”

“Khó mà có một câu trả lời chính xác về mức trợ cấp của Intern vì nó còn tùy thuộc vào quy mô của agency, tình hình kinh doanh, vị trí bạn ứng tuyển,… Phần lớn agency sẽ đề nghị mức trợ cấp cụ thể khi bạn phỏng vấn nhưng cũng có một số agency sẽ dựa trên số lượng ‘sản phẩm’ của bạn (content, bài viết PR, artwork,…) để trả lương theo từng tháng”, anh Vũ Anh Quân nhận định.

Giữa mức trợ cấp và kinh nghiệm thực tiễn, Intern nên chọn gì?

Nhiều Intern sẽ chú trọng kinh nghiệm, không quan tâm đến số tiền nhận được. Trong khi đó, một số bạn lại nghĩ rằng đã bỏ công sức và thời gian ra thì phải nhận được mức trợ cấp xứng đáng. Vậy thì khi thực tập tại môi trường agency, các bạn Intern sẽ nhận được những gì? Chị Tiên Nguyễn chia sẻ: “Đối với mình, Intern giống như một tờ giấy trắng, chưa bao giờ bước chân vào môi trường làm việc và cũng chưa biết đó có phải là công việc dành cho mình hay không. Do đó, Intern nên ưu tiên việc trải nghiệm, học hỏi hơn là nghĩ đến chuyện mưu sinh. Ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời, chúng ta sẽ có các mục tiêu khác nhau, không ai giống ai cả. Nhiều bạn bị áp lực, peer pressure khi thấy bạn bè của mình đang làm công việc yêu thích và kiếm được nhiều tiền. Sau đó, các bạn so sánh và tự đặt áp lực lên bản thân mình, bắt bản thân cũng phải được như vậy nên khi đi thực tập, việc đặt nặng trợ cấp là điều khó tránh khỏi. Các bạn nên lựa chọn quan sát, tìm hiểu và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Khi đã có những yếu tố này rồi thì các bạn sẽ tự tin vào khả năng của bản thân hơn, có ‘bàn đạp’ để ‘deal’ lương với công ty khi bước vào vị trí chính thức.”

Bạn Ngô Minh cũng bày tỏ: “Khi đi thực tập, hầu hết các bạn chưa có kinh nghiệm hoặc chỉ mới trải nghiệm vài tháng. Do đó, mình nghĩ Intern khi đi thực tập sẽ thu được một lượng kiến thức và kỹ năng nhất định, và việc thực tập không lương cũng tương tự như việc bạn bỏ ra một số tiền để đi học nghề vậy. Tuy nhiên, nếu agency đưa ra một mức trợ cấp phù hợp cho nhân sự, điều đó sẽ giúp san sẻ chi phí ăn uống, di chuyển hằng ngày, đồng thời đóng vai trò như một phần thưởng cho những nỗ lực, đóng góp của các bạn tại công ty.”

Dù hầu hết ý kiến đều cho rằng Intern nên chú trọng cơ hội va chạm thực tế, học hỏi nhưng trên thực tế, trợ cấp cũng là một yếu tố quan trọng khi đi thực tập. Việc không nhận được trợ cấp có thể khiến Intern dễ nản chí và cảm thấy mệt mỏi. Anh Vũ Anh Quân bày tỏ: “Điều này cũng còn tùy trường hợp, tùy công ty. Nếu như lượng công việc được giao quá sức, không có mentor hướng dẫn, đồng thời phải kiêm luôn vô số đầu việc không tên thì chuyện Intern bức xúc là hiển nhiên.” Ngoài ra, anh cũng cho biết vì đa số Intern không được ký hợp đồng lao động nên nhiều công ty “lợi dụng” điểm này để không chi trả trợ cấp như thỏa thuận ban đầu.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng dù không được trả mức trợ cấp cao nhưng Intern vẫn thường phải làm việc ngoài giờ (OT). Để giải đáp về vấn đề này, bạn Ngô Minh chia sẻ: “Mình nghĩ có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc phải làm việc ngoài giờ: 

– Một là hiệu suất, hiệu quả công việc trong giờ hành chính chưa hiệu quả

– Hai là khối lượng công việc tại thời điểm đó khá nhiều

Đối với trường hợp 1, mình nghĩ làm việc ngoài giờ là điều nên làm để Intern có thể hoàn thành công việc được giao trong ngày. Sau đó, bạn có thể xem xét lại cách làm việc để nâng cao hiệu quả công việc. Còn với trường hợp 2, các bạn Intern có thể chia sẻ với cấp trên để phân bổ một khối lượng công việc phù hợp hơn với bạn. Tuy nhiên tại agency, đặc biệt vào những mùa cao điểm thì OT là việc thường thấy nên nếu trong khoảng thời gian đó bạn có thể hỗ trợ team, OT một tí thì mình nghĩ đâu đó sẽ giúp bản thân bạn bước khỏi vùng an toàn, thậm chí ghi điểm trong mắt mọi người nữa!” 

“Nếu được giao quá nhiều task và không thể sắp xếp thời gian được thì các bạn Intern có thể chia sẻ với các mentor/leader của mình để anh chị hiểu và cùng nhau tìm giải pháp. Thực tế thì người chịu trách nhiệm chính vẫn là các anh chị chứ không phải Intern. Nếu trong trường hợp nói ra nhưng không thể thay đổi được gì, mình có thể tìm một nơi khác để trải nghiệm”, chị Tiên Nguyễn cho biết.

Related Articles

Back to top button